Trên toàn cầu có sáu xu hướng đang diễn ra trong ngành y tế với những tác động trên nhiều khía cạnh.
⦁ Thay đổi nhân khẩu học: Sự thay đổi dịch chuyển về tuổi trong xã hội đang gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và đòi hỏi hướng đi mới. Sự chuyển dịch thúc đẩy mô hình hợp tác mới giữa khối nhà nước và tư nhân dần hình thành nhằm chuyển đổi hình thức đầu tư và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
⦁ Cạn kiệt nguồn lực : Nguồn nhân lực chất lượng trong hệ thống y tế trên toàn thế giới đang cạn kiệt trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe lại ngày càng tăng. Công nghệ trở thành giải pháp tiềm năng cho các vấn đề nguồn lực y tế và chăm sóc sức khỏe (như theo dõi, kiểm soát từ xa, thăm khám từ xa và các thiết bị di động hỗ trợ thăm khám để tiết kiệm thời gian di chuyển, công nghệ cao hỗ trợ chẩn đoán…). Khối tư nhân sẽ trở thành trợ thủ tiềm năng cho hệ thống y tế truyền thống.
⦁ Người tiêu dùng nắm quyền: nhu cầu ngày càng tăng, cầu kì, hướng tới sự thuận tiện, minh bạch, giá cả hợp lí, cá nhân hóa cao và tham gia tích cực hơn vào quá trình điều trị. Điều này dẫn đến sự chuyển hướng từ chăm sóc phân tán sang các mô hình chăm sóc tích hợp.
⦁ Gia tăng các bệnh lí mạn tính: khiến cho nhu cầu sử dụng chăm sóc y tế ngày càng tăng và tốn kém. Gánh nặng to lớn cho hệ thống y tế. Sự tiến bộ trong phát hiện và chẩn đoán sớm và chính xác sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều trị. Vì vậy ngành y tế đang ngày càng trú trọng vào các giải pháp y tế dự phòng và các lĩnh vực chăm sóc phi y tế.
⦁ Người tiêu dùng mất niềm tin: Niềm tin vào hệ thống y tế truyền thống của người tiêu dùng dần mất đi ( Bệnh viện quá tải, thủ tục hành chính, chờ đợi lâu, không tin tưởng nguồn thuốc, chất lượng chăm sóc kém,…). Thay vào đó họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nằm ngoài y tế. Và có rất nhiều công cụ công nghệ giúp họ tiếp cận điều đó
⦁ mHealth : Các tính năng chăm sóc sức khỏe qua di động ngày càng phát triển tác động đến cách thức cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Các thiết bị di động tạo điều kiện cho việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn.
Việt Nam ở đâu trong thời điểm đột phá này?
Già hóa dân số đi kèm các bệnh mạn tính ngày càng tăng, gia tăng biến chứng. Những xu hướng này khiến nhu cầu chăm sóc dài hạn trở nên cấp thiết. Gia tăng tầng lớp trung lưu và thượng lưu giàu có khiến đòi hỏi có thêm lựa chọn về y tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng đi thèm với lối sống ít vận động gây ra các bệnh lí chuyển hóa (như đái tháo đường, béo phì,…), bệnh mạn tính cùng các bệnh tật có chi phí điều trị cao ngày càng tăng. Dân số già, tầng lớp trung lưu & thu nhập cao gia tăng, môi trường ngày càng ô nhiễm do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa & công nghiệp hóa đã làm gia tăng các biến chứng về sức khỏe, cũng như tăng thêm áp lực lên với hệ thống y tế. 4/5 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam là các bệnh không truyền nhiễm. Tử vong do các bệnh tim mạch và ung thư chiếm khoảng 55% tổng số ca tử vong ở tất cả các nhóm tuổi, tỷ lệ này trong nhóm dân số từ 70 tuổi trở lên là gần 60%. Những chỉ số này cùng với các chỉ số sức khỏe tiêu cực khác đã tăng rõ rệt từ năm 2009 đến nay.
Những hộ gia đình khá giả có xu hướng yêu cầu chất lượng dịch vụ, khám chữa bệnh và điều trị cao hơn, cùng với các tiện lợi, dịch vụ chuyên sâu, minh bạch, giá cả phải chăng và cá nhân hóa hơn. Những gia đình cũng có thể lựa chọn các dịch vụ chăm sóc đa dạng hơn nhiều, như tại các bệnh viện và ngoài bệnh viện (như phòng khám tư, phòng tập thể hình hoặc thăm khám tại nhà…), trong và ngoài nước, kênh ngoại tuyến hoặc trực tuyến,…
Xu hướng này là cơ hội cho những doanh nghiệp mới từ các ngành khác tham gia, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái y tế và chăm sóc sức khỏe đa dạng hơn bên cạch các cơ sở truyền thống, lấy bệnh nhân là trung tâm. Xu hướng biến đổi yêu cầu sự phối hợp của các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ sức khỏe, lấy bệnh nhân làm trung tâm đang diễn ra tại Việt Nam.
Một xu thế mới đang nổi lên ở Việt Nam, được thúc đẩy nhờ nhận thức toàn diện hơn về tầm quan trọng của cả sức khỏe thể chất và tinh thần, của hoạt động phòng bệnh và chẩn đoán sớm. Đặc biệt, xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi người ta đang phải đối phó với tình trạng bệnh không truyền nhiễm mãn tính ngày càng tăng, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và những lựa chọn về cơ sở chăm sóc sức khỏe khác bên cạnh các cơ sở truyền thống (bệnh viện/phòng khám ngoại trú). Nhu cầu bệnh nhân tìm kiếm dịch vụ chăm sóc bên ngoài các bệnh viện truyền thống ngày càng gia tăng, bệnh nhân chủ động tự chăm sóc bản thân hơn (bằng cách sử dụng các dịch vụ khám bệnh từ xa, thiết bị theo dõi sức khỏe, theo dõi lối sống,…), cũng như nhu cầu dịch vụ chăm sóc tại nhà và chăm sóc theo cộng đồng gia tăng (viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng,...). Trong khoảng một thập kỷ qua, thời gian lưu trú trung bình ở bệnh viện đã giảm dần, đồng thời chênh lệch giữa số lượng bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú ngày càng gia tăng. Đây là kết quả của việc chất lượng điều trị trong bệnh viện được cải thiện và sự sẵn có của các cơ sở hậu phẫu (chăm sóc sau phẫu thuật/ICU) giúp bệnh nhân có thể lựa chọn được chăm sóc tại nhà hoặc tại các trung tâm phục hồi chức năng.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Đại dịch đã thúc đẩy việc chuyển sang ưu tiên chăm sóc sức khỏe bên ngoài bệnh viện. Bệnh nhân nhận ra sự sẵn có và lợi ích của các lựa chọn chăm sóc thay thế, cùng với các công cụ ảo trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục do bệnh nhân có cơ hội tiếp cận và quản lý một cách linh hoạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
BS Nguyễn Thị Ngọc Anh - eVIPcare