Hotline

1800 8106
11/07/2023
Admin AD

    Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Sau đây là một số bệnh thường gặp khi giao mùa chúng ta cùng tìm hiểu và biết cách phòng ngừa bệnh.     
Bệnh dị ứng da:     
   Khi giao mùa nhiệt độ ngày và đêm luôn có sự thay đổi, cùng với đó là đổ ẩm không khí cũng giảm mạnh. Vậy nên đây là những tác nhân gây ra bệnh dị ứng da. Đây là bệnh ngoài da thường gặp nhất, ở bất cứ ai và bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy dị ứng da không gây nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và thẩm mỹ của người bệnh. Ở những người gặp phải những triệu chứng nặng hơn, dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thậm chí là tính mạng.   

 

image-5.jpeg 

Chính vì thế cần cần xét nghiệm dị nguyên để biết được chính xác nguyên nhân gây dị ứng da và được bác sĩ da liễu đưa ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn. Ngoài ra, người bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cơ thể hằng ngày.  

 

Tiêu chảy cấp: 
  Bệnh tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần mỗi ngày, không kéo dài quá 14 ngày và có thể kèm theo các triệu chứng như: nôn, buồn nôn, mất nước, rối loạn điện giải, đầy bụng, sôi bụng, người mệt lả. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh tiêu chảy cấp có thể dẫn đến tử vong do mất nước và điện giải. 
   Bệnh tiêu chảy cấp có thể được coi như một bệnh mùa hè, vì nó hay xảy ra ở mùa hè hơn, thường do thực phẩm trong môi trường nóng dễ bị ôi thiu và nhiệt khuẩn gây bệnh. Bệnh này có thể do tác nhân như vi khuẩn tả, thương hàn, virus rota... nên dễ thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt. 
image-8.jpeg 

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp cần bù nước và điện giải đầy đủ, nếu trẻ có những biểu hiện của mất nước nặng như mệt lả, vật vã, mắt trũng, li bì hoặc không uống được nước như nôn nhiều thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nhanh chóng. 
Bệnh cúm mùa: 
   Thời điểm giao mùa người già và trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh cảm cúm do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy giảm, khiến virus cúm dễ xâm nhập cơ thể, gây bệnh.  
  Cảm cúm thông thường là nhiễm virus đường hô hấp trên, mũi và cổ họng. Các triệu chứng của cảm cúm thông thường thường xuất hiện khoảng 1 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với một vi rút cảm cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng của cảm cúm thông thường có thể bao gồm: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho,  xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt,  sốt mức độ thấp (lên đến 39 độ C),  mệt mỏi nhẹ... 
   Các bệnh này lây lan theo đường hô hấp qua các hạt nước bọt của người bệnh bắn ra khi nói chuyện hay ho khạc, làm người lành hít phải. 
Bệnh sởi 
     Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra và là một trong các loại bệnh thường gặp vào thời điểm mùa thu. Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ dẫn đến tử vong. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Với trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn… Bởi khi trẻ không được ăn đủ chất sẽ khiến bệnh kéo dài; còn kiêng gió, kiêng nước khiến trẻ không đảm bảo vệ sinh làm tăng tỷ lệ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác. 
image-7.jpeg 

Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi thì biện pháp hiệu quả nhất là tiêm phòng sởi cho trẻ đầy đủ, đúng thời gian. 

  Sốt xuất huyết:  
  Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus Dengue (DEN) gây ra. Bệnh lây do loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành. 
   Bệnh sốt xuất huyết có 2 triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết (chảy máu). Sự nguy hiểm của bệnh là giảm lượng tiểu cầu trong máu, nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc. Nếu không được cấp cứu kịp thời cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em. 

image-6.jpeg 

   Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng. Do đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 

Thủy đậu 
  Thủy đậu được coi là một bệnh mùa đông xuân, giai đoạn mà không khí nồm ẩm, cũng rất dễ nhiễm bệnh thủy đậu. Thủy đậu là một bệnh gây ra do vi rút Varicella Zoster. Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Nếu một người mắc bệnh thủy đậu mà ho hay hắt hơi hoặc nói chuyện thông thường thì virus sẽ theo giọt nước bọt bắn ra ngoài, người tiếp xúc gần trực tiếp rất dễ bị lây bệnh. 

image-7.jpeg 
 

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và phần lớn ở trẻ em. Các dấu hiệu khi bị bệnh có thể là sốt, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch ở cổ, buồn nôn. Tiếp đến sẽ xuất hiện triệu chứng nổi mụn nước trên da, các mụn nước ban đầu sẽ mọc ở chân tay, mặt và có thể lan ra toàn thân rất nhanh trong vòng từ 12 đến 24 giờ. Bệnh thường khỏi sau 7 đến 10 ngày nếu được chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho người bệnh. 


Những biện pháp phòng chống: 

Phòng đối với các bệnh lây qua đường hô hấp 
Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Súc miệng, họng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Che miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn tay khi ho hắt hơi. 
Vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, giữ cho thông thoáng. Thường xuyên lau bằng nước sát khuẩn, vệ sinh các đồ dùng, dụng cụ, bề mặt sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… 
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và sử dụng các phương tiện phòng hộ. Vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc. 
Tiêm chủng đầy đủ phòng các bệnh đã có vắc xin như: cúm, sởi, thủy đậu, rubella… 
Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày. 

Phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa 
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, tái như tiết canh, nem chua, chạo chua, các món gỏi… 
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 
Không vứt rác bừa bãi ra môi trường;thu gom, xử lý, đổ rác đúng nơi quy định, xa nguồn nước.Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân của trẻ phải được đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 
Thực hiện tiêm, uống vắc xin phòng các bệnh như viêm dạ dày, ruột do Rota vi rút, viêm gan A… 

Phòng các bệnh do côn trùng truyền 
Tiêu diệt, ngăn chặn, loại bỏ các điều kiện để côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián sinh sôi, nảy nở. 
Bảo vệ không để côn trùng đốt, hoặc vào nhà như: ngủ màn, lưới chắn muỗi, bôi thuốc xua đuổi côn trùng, lưới che chắn cửa … 
Tiêm phòng đối với bệnh viêm não Nhật Bản, là bệnh duy nhất do côn trùng truyền hiện có vắc xin phòng bệnh.


    Một điều chúng ta cần lưu ý đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em, người cao tuổi hay người có bệnh nền là khi mắc các bệnh này thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong. Chúng ta cần chú ý bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng thông qua dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sỹ. 

 

Trợ lý Y khoa eVIPcare  
Đậu Thị Nga          
  

 

 

Tầng 3, Toà Udic Complex - N04 Hoàng Đạo Thuý, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

image